100% các bộ có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Sự khởi đầu quan trọng

Việc 100% các bộ có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ góp phần cơ bản phá bỏ các “ốc đảo” dữ liệu của các bộ, ngành; thay vào đó là tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Cấp thiết và không thể trì hoãn thêm

Theo báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử các năm 2018, 2020 của Liên hiệp quốc, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Tận dụng thế mạnh của công nghệ để khai thác dữ liệu số, các nước có thể tạo ra nhiều dịch vụ tiện lợi hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”.

Kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của các nước trên thế giới cho thấy, vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin đặc biệt quan trọng. Việc này giúp các cơ quan Chính phủ trao đổi và sử dụng thông tin đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ của Chính phủ, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin, dữ liệu đầy đủ và nhất quán.

Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 đã chỉ rõ, cần ưu tiên phát triển các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tiếp đó, Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường ký tháng 12/ 2019 nêu nhiệm vụ đến hết năm 2020, 100% các bộ, địa phương phải có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ/cấp tỉnh (LGSP)…

Việc các bộ, địa phương sớm hoàn thành LGSP, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là rất cấp thiết và không thể trì hoãn thêm nữa, bởi lẽ, đây là việc phù hợp với nhu cầu thiết yếu của thực tế, xu hướng phát triển trong và ngoài nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế, không phải các bộ, địa phương đều có điều kiện để kịp đầu tư/thuê dịch vụ để đưa nền tảng quan trong này vào sử dụng trong giai đoạn 2019-2020 (năm 2019, mới chỉ có 21 địa phương, 4 bộ, cơ quan ngang bộ có LGSP, tức đạt 27%).

Cơ bản phá bỏ các “ốc đảo” dữ liệu

Với vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nền tảng “LGSP as a service” để cho một số bộ, ngành, địa phương sử dụng trong giai đoạn các bộ, ngành, địa phương, chưa có điều kiện xây dựng LGSP của mình. Ngày 30/10/2020, đã đánh dấu một bước tiến đáng ghi nhận khi Bộ Nội vụ có LGSP và qua đó, 100% các bộ đã có LGSP.

Kết quả này chỉ là sự khởi đầu, tuy nhiên, giá trị mạng lại rất đáng kể. Bởi lẽ, việc 100% các bộ có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ góp phần cơ bản cho việc phá bỏ các “ốc đảo” dữ liệu của các bộ, ngành, thay vào đó là tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai “LGSP as a Service” còn thể hiện cách nghĩ, cách làm mới đó là đối với các hệ thống mới, các bộ, địa phương chưa hiểu thì cần một hình mẫu. Việc được “dùng thử” LGSP do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp sẽ giúp cho các bộ, địa phương có hiểu biết rõ hơn về vai trò, lợi ích, chức năng, tính năng của LGSP. Từ đó, các bộ, địa phương sẽ đặt ra bài toán chính xác hơn khi tiến hành đầu tư/thuê dịch vụ cho LGSP của mình. Đồng thời, việc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai “LGSP as a Service” còn thể hiện tư duy, cách tiếp cận từ cung cấp cái đang có, chỉ làm vai trò ra văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo… sang tư duy phục vụ, chủ động, đột phá, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai…

Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc triển khai các nền tảng tích hợp, dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã có những kết quả đang ghi nhận. Cụ thể, đã có 61 tỉnh, 21 bộ đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm (chỉ có tổng số khoảng 40 bộ, tỉnh). Từ ngày 1/1 – 29/10/2020, tổng số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào khoảng 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 có 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai kết nối LGSP với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương.

Quỳnh Nga

Nguồn: kinhtevn.com.vn

2 thoughts on “100% các bộ có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Sự khởi đầu quan trọng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *