2.100 tỷ đồng đã được giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường

Đây là con số được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) công bố tại Hội nghị hỗ trợ tài chính “Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam – đồng hành cùng doang nghiệp vì sự nghiệp bảo vệ môi trường được diễn ra ngày 25/8/2017, tại Đà Nẵng.

Theo ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quỹ VEPF cho biết: “Trong 15 năm qua, VEPF đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng dưới các hình thức: cho vay, tài trợ, hỗ trợ lãi suất, trợ giá sản phẩm điện gió (CDM), hỗ trợ giá điện gió nối lưới, ký quỹ phục hồi môi trường…. Trong đó, VEPF đã thành công bước đầu trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp thông qua hình thức cho vay ưu đãi với hơn 1.900 tỷ đồng cho 244 dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại 48 tỉnh, thành trong cả nước”.

Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, quỹ đã mở rộng lĩnh vực ưu tiên cho vay từ 5 lên 8 lĩnh vực ưu tiền nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư bảo vệ môi trường cho nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời mở rộng phạm vị hỗ trợ tài chính của Quỹ. Theo đó, lãi suất hỗ trợ cho vay của quỹ cũng giảm dần từ 3,6%/năm xuống còn 2,6%/năm như hiện nay, ngoài ra các điều kiện về đảm bảo tiền vay, thời gian vay, quy trình và các thủ tục cho vay cũng đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.

Báo cáo tại hội nghị, bà Dương Thị Phương Anh – Phó Giám đốc VEPF cho biết: Với sự hỗ trợ từ các tổ chức, đối tác quốc tế, nhiều dự án xử lý môi trường tại các địa phương phát triển công nghiệp đã được triển khai thực hiện. Theo đó, VEPF đã tiến hành thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN thuộc 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định và Hà Nam bằng nguồn vốn 20,473 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới ( WB). Từ thành công của các địa phương này, Chính phủ đã quyết định cho VEPF mở rộng phạm vi cho vay của các dự án tại các tỉnh khác như: Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương và Long An. Tính đến nay 96 tỷ đồng từ nguồn vốn của WB đã được giải ngân cho các dự án.

Đối với các dự án CDM, quỹ đã thực hiện một số cơ chế chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch và tính đến nay tổng lượng CERs đăng ký đạt 44,44 tỷ đồng trên tổng số 37 dự án. Đồng thời quỹ cũng đã phê duyệt mức tài trợ giá sản phẩm dự án Phong điện 1 – Bình Thuận với tổng số tiền hơn 234,8 tỷ đồng và mức hỗ trợ giá điện gió nối lưới là 106,8 tỷ đồng.

Các hoạt động này đã mang lại những kết quả tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương trong cả nước

Tuy nhiên cũng theo bà Dương Thị Phương Anh thì khó khăn lớn nhất hiện nay cho hoạt động của quỹ đó là còn thiếu hành lang pháp luật quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính chưa thống nhất; nguồn vốn điều lệ và vốn hoạt động còn hạn chế; quy định về hoạt động cho vay, ký quỹ, bảo lãnh…. đối với các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương khó triển khai…

Hội nghị năm nay có sự góp mặt của hơn 400 đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tiếp xúc khách hàng, quản lý nguồn vốn, cơ chế phối hợp giữa các quỹ môi trường; đồng thời, thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận các cơ chế tài chính hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện đầu tư các dự án bảo vệ môi trường.

Hoài Hường

Nguồn: kinhtevn.com.vn