Bắc Giang: Thêm “chất” cho hợp tác xã công nghiệp nông thôn

Hoạt động khuyến công hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX) công nghiệp nông thôn (CNNT) tại Bắc Giang bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017 – 2020, cùng với các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Trung tâm đã thực hiện vai trò cầu nối hỗ trợ cho 52 hợp tác xã (HTX). Trong đó, hỗ trợ 1 HTX tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề; 16 HTX xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến; 1 HTX đầu tư xây dựng nhà trưng bày, bán sản phẩm; tư vấn, trợ giúp 34 HTX trong công tác thiết kế, in ấn bao bì đóng gói, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trung tâm cũng tổ chức bình chọn được 12 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 1 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia và hỗ trợ khoảng 100 lượt HTX tham gia trực tiếp hoặc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tổ chức hội nghị tiêu thụ sản phẩm chủ lực địa phương; cấp nhãn hiệu cho sản phẩm tìm thị trường tiêu thụ ổn định…

Công tác xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường ngày càng được tỉnh Bắc Giang chú trọng. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mộc Bãi Ổi” cho HTX Mộc Bãi Ổi (xã Dĩnh Trì), nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể cho 46 thành viên của HTX, hiệu lực 10 năm đối với nhóm sản phẩm làm từ gỗ như: Bàn, ghế, giường, tủ… 2 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là Rau an toàn Đa Mai và bún, bánh Đa Mai. Việc bảo hộ thành công nhãn hiệu cho các sản phẩm là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lao động thuần nông sang công nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giúp HTX thuận lợi quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.

Hiệu quả thiết thực của chương trình khuyến công đã giúp các HTX nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ xã viên, góp phần tạo việc làm mới ở địa phương, hỗ trợ đơn vị tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Từ đó, nhiều sản phẩm của các HTX như Mỳ gạo Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… mở rộng thị trường, đáp ứng quy định xuất khẩu, góp phần thúc đẩy các làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Giang phát triển.

Bắc Giang tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã có quy mô nhỏ, lẻ tham gia các đề án khuyến công để lan tỏa, nâng cao liên kết vùng miền, quy mô và sức cạnh tranh…

Trang Anh

Nguồn: kinhtevn.com.vn