Biến đổi khí hậu có thể ‘đốn ngã’ những cây cổ thụ già nhất

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra rằng, những cây cổ thụ lâu đời nhất trên Trái Đất có thể phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nhiệt độ Trái Đất đang tăng lên. 

Những cây cổ thụ này đã có từ thời Alexander Đại đế (356-323 TCN) của Vương quốc Macedonia tung hoành chinh phạt khắp châu Á. Một số cây đã chứng kiến những thăng trầm của đế chế La Mã, một số cây khác đã xuất hiện từ thời nhà thám hiểm Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ.

Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các loại cây lâu đời nhất trên hành tinh này có thể phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California, Mỹ cho biết.

Trong số những cây cổ đại này có cả loài thông Bristlecone (có tên khoa học là Pinus Longaeva), vốn sinh sống ở những vùng cao thuộc dãy núi White ở bang California.

“Chúng tôi cho rằng, loài cây Bristlecone sẽ biến mất trong tương lai nếu sự ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn ra”, đồng tác giả nghiên cứu Brian Smithers, một nhà sinh thái học tại Đại học California nói.

Ông Smithers cho biết, loài cây này ưa phát triển ở vùng núi khô cằn, nơi có lượng mưa ít, không khí lạnh lẽo.

Tuy nhiên, nhiệt độ Trái Đất đang ấm lên đã ép loài cây này phát triển dần lên những đỉnh núi cao, nơi nhiệt độ còn khá thấp. Nhà khoa học này khẳng định, nhiệt độ có vai trò ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng của loài thông này, và những loài cây như thông Bristlecone chỉ phát triển được ở những vùng giá lạnh.

Smithers và các đồng nghiệp của ông xác định thông tin cho cuộc nghiên cứu bằng cách lập bản đồ vị trí của những cây trưởng thành, có chiều cao hơn 3m. Tiếp theo, họ đi tìm và thống kê số cây non của loài cây lịch sử này.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hầu hết các cây con xuất hiện ở những độ cao trên vị trí của các cây thông cổ thụ. Ông Smithers đã báo cáo kết quả nghiên cứu tại cuộc họp hàng năm của Liên minh Địa vật lý Mỹ, vừa tổ chức ở thành phố San Francisco.

Nguồn: kinhtevn.com.vn