Các doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 tiếp tục phục hồi, ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước .

Theo đó, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất trang phục tăng 23,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20,1%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,3%…

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 8,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 3,5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,4%…

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, 7 tháng năm 2022, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVOD-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và giảm 5,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 6,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 14,1%.

Để ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương chỉ đạo các địa phương cần hỗ trợ tích cực cho phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, bảo đảm nhu cầu huy động vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các cân đối lớn.

Nguồn: kinhtevn.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *