Các ngành hàng xuất khẩu “đua nhau” báo tin vui

Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng đã có khởi sắc hơn năm 2020. Theo đó nhiều doanh nghiệp có những đơn hàng xuất khẩu dài hạn, từ đó tạo động lực giúp doanh nghiệp quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, nếu như trong năm 2020 xuất khẩu da giày chịu tác động nặng nhất bởi dịch bệnh Covid-19 thì đến nay các doanh nghiệp ngành này đang đón nhận những tín hiệu tốt về đơn hàng.

Ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Gia Định chia sẻ, hiện đơn hàng của Gia Định đã tăng từ 30 – 40% so với cùng kỳ. “Tôi kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, như thế sẽ rất thuận lợi cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và da giày nói riêng vì trong năm vừa qua chúng ta đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam – EU (EVFTA), RCEP. Chính những hiệp định này là điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay”– ông Trung phấn khởi cho biết.

Không kém cạnh, các doanh nghiệp trong ngành gỗ và ngành hàng rau, củ, quả cũng báo những tín hiệu vui về hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm. Trong đó với nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc của Vina T&T; Group cho biết, công ty đã nối lại hoạt động xuất khẩu từ mùng 2 Tết để chuẩn bị cho việc xuất khẩu đơn hàng 40 nghìn trái dừa cho thị trường Hàn Quốc; 50 tấn thanh long; 3 tấn chôm chôm và 20 tấn xoài cho thị trường Hàn Quốc.

Còn với ngành gỗ, ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc điều hành Công ty nội thất Furnist cho biết, công ty này đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến giữa năm 2021, tăng khoảng 30% so với năm 2020. Trong đó riêng tại thị trường Mỹ, công ty vừa ký kết một số đơn hàng mới- hứa hẹn giúp doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu tốt như đã làm được trong 2020.

Trước đó trong năm 2020, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kết thúc năm xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Năm 2021, ngành này đã đặt mục tiêu xuất khẩu sẽ đạt 14 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2020 và tự tin có thể hoàn thành bởi ngay từ cuối năm trước rất nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng dài hạn cho 2021.

Nhận định về những tín hiệu tích cực nói trên, các chuyên gia cho rằng thế giới đã dần quen và bắt đầu sống chung với dịch bệnh. Việc thông thương giữa các nước không còn chịu cảnh đứt gãy như năm 2020. Cũng từ lý do đó, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn đối mặt với những vấn đề quá lớn về đầu ra sản phẩm. Với những tín hiệu này, chắc chắn các ngành hàng xuất khẩu sẽ quay trở lại đà tăng trưởng khi năm 2021 kết thúc. Thêm vào đó, những tác động từ các FTA trong năm nay được kỳ vọng sẽ tốt hơn bởi doanh nghiệp đều có kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA này.

Đơn cử với Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp gạo, cà phê, nông sản đang xúc tiến những đơn hàng để hưởng thuế quan bằng 0% theo cam kết của FTA này. Ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ rằng, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới rất tốt, kéo theo đơn hàng không thiếu. Bằng chứng là công ty đã có rất nhiều đơn hàng với đối tác và đang huy động công nhân làm việc hết công suất để kịp giao hàng theo tiến độ.

Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 2/2021 kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 9,94 tỷ USD, tăng nhẹ gần 2,5% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng mạnh gần 36,9% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 2, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang hồi phục rõ rệt.

Mai Ca

Nguồn: kinhtevn.com.vn