Cải cách hành chính – Bước đột phá phát triển

(VEN) – Thời gian qua, Hải Phòng luôn được Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính (CCHC), 3 năm liên tiếp (2013, 2014 và 2015) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ đánh giá xếp hạng. CCHC được coi là bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cảng.  

Tác động tích cực của cải cách hành chính

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác CCHC của Hải Phòng đã đạt kết quả khá toàn diện, đặc biệt là từng bước công khai, minh bạch, dân chủ, hướng tới nền hành chính phục vụ nhân dân.

Những kết quả đạt được trong công tác CCHC đã nâng cao một bước hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cơ bản tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, thu hút nhiều dự án lớn vào thành phố.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Phòng giai đoạn 2011-2015 ước đạt gần 208 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8,87%/năm, đạt kế hoạch đề ra. Nhiều dự án lớn có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc được triển khai như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, Khu du lịch sinh thái Đảo Vũ Yên; Khu đô thị thương mại Vingroup, Khu đô thị Xi măng, Khu du lịch cao cấp đảo Hòn Dấu….

Trong giai đoạn 2011-2016, Hải Phòng đã thu hút được một số dự án của các tập đoàn lớn, có uy tín trên thế giới. Nổi bật là năm 2016, thành phố phối hợp tổ chức khởi công dự án sản xuất, gia công màn hình OLED của Tập đoàn LG Display với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hải Phòng – Điểm đến của các nhà đầu tư”, thu hút hơn 12,8 tỷ USD, trong đó có 6,6 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và 6,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong nước.

Việc thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn tạo điều kiện để thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, tạo đà tăng trưởng đột phá.

Nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính

Năm 2016, thành phố ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 17/5/2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại TP. Hải Phòng; Kế hoạch số 763/KH-UBND ngày 27/5/2016 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP trong đó yêu cầu cụ thể về giảm thời gian đối với các thủ tục hành chính về khởi sự kinh doanh, xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội; Kế hoạch số 962/KH-UBND ngày 28/6/2016 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN.

Kết quả đã có sự chuyển biến mạnh ở một số lĩnh vực được xác định là trọng tâm cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) nhằm phục vụ DN như đăng ký DN, thuế, bảo hiểm, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…. Cụ thể, thời gian trung bình xử lý hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ còn 1,91 ngày làm việc; hồ sơ thành lập DN mới là 2,62 ngày (năm 2011 là 5 ngày); tổng thời gian làm thủ tục thuế cho DN xuống còn 117 giờ/năm (năm 2014 là 876 giờ); rút ngắn thời gian nộp bảo hiểm xã hội dưới 45 giờ/năm; thời gian tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; có phương án giảm thời gian cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho cá nhân và nhà thầu nước ngoài từ 20 ngày xuống còn 12 ngày làm việc; giảm thời gian đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu từ 25 ngày xuống còn 20 ngày làm việc; thủ tục đăng ký giấy chứng nhận đất lần đầu từ 30 ngày xuống còn 25 ngày làm việc; đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền trên đất từ 20 ngày xuống còn 14 ngày làm việc….

Điểm đột phá trong CCTTHC đối với DN, đặc biệt là các nhà đầu tư ở Hải Phòng trong năm 2016 là sự ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hải Phòng. Trung tâm là đầu mối duy nhất tiếp nhận và trả kết quả TTHC về đầu tư, kết nối các thủ tục từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án – những thủ tục trước đây được giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường. Trung tâm được coi là mô hình mới, chưa có tiền lệ của thành phố và cả nước, có ý nghĩa lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các DN đầu tư tại Hải Phòng.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Từ năm 2004, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình một cửa mẫu, hiện đại và có phần độc lập, chuyên trách. Việc sớm triển khai và duy trì hoạt động tốt bộ phận một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan hành chính cũng là một điểm nhấn mang tính đột phá trong công tác CCHC ở Hải Phòng.

Đến nay, toàn thành phố đã có 20/20 sở, ban, ngành (19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng) thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo mô hình một cửa. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Công an Hải Phòng thực hiện liên thông đối với các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, thành lập DN. Cục Hải quan, Cục Thuế, Cảng vụ Hải Phòng liên thông với các cơ quan chuyên môn, địa phương có liên quan của thành phố giải quyết các TTHC về hải quan, thuế, cảng vụ.

Ở cấp huyện, xã, 14/15 quận, huyện (trừ UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ); 223/223 xã, phường, thị trấn đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo mô hình một cửa, có TTHC liên thông.

Các cơ quan, đơn vị chủ động quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Một số đơn vị trang bị phần mềm, máy tính, màn hình tra cứu thủ tục, hồ sơ bảo đảm thuận tiện cho tổ chức, công dân tìm hiểu; xây dựng mô hình một cửa thân thiện, không khoảng cách trong giao tiếp bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo triển khai thí điểm xây dựng mô hình chính quyền điện tử tại 2 quận Ngô Quyền và Hồng Bàng, trong đó áp dụng mô hình “một cửa điện tử” trực tiếp giải quyết các TTHC trên cơ sở dữ liệu được số hóa đồng bộ, sử dụng chung, cung cấp dịch vụ hành chính liên thông giữa quận với phường, giữa các phòng chuyên môn của quận; cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4; phát triển các kênh giao tiếp giữa người dân, DN với các cơ quan nhà nước.

Các cơ quan trên địa bàn thành phố tích cực, chủ động trong việc áp dụng các mô hình một cửa điện tử, cắt giảm các TTHC không cần thiết. Năm 2015, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã triển khai thành công Dự án VNACCS/VCIS, là đòn bẩy để ngành hải quan hoàn thành mục tiêu CCTTHC theo Nghị quyết 19/NQ-CP.

Từ tháng 11/2014, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai áp dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện TTHC cho các tàu vào, rời cảng biển.

Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tích cực triển khai việc kê khai và nộp thuế điện tử. Đến 31/8/2016, số DN kê khai thuế điện tử đạt 99,7%; 95,4% DN nộp thuế điện tử; số hồ sơ kê khai đúng hạn là 96%; 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và hoàn thuế đúng thời gian quy định, 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật.

Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng đã sửa đổi, rút gọn bộ TTHC từ 115 thủ tục (năm 2012) còn 33 bộ TTHC (năm 2015); đến 31/10/2016, có 95,57% đơn vị DN tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch điện tử với Bảo hiểm xã hội thành phố.

Công an TP. Hải Phòng thực hiện thí điểm cấp căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 với thủ tục đơn giản (là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm); triển khai hệ thống lấy số thứ tự, xếp hàng và giao giấy hẹn tự động bằng máy vi tính, bảo đảm chính xác, công bằng, hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh.

Qua triển khai, mô hình bộ phận một cửa liên thông hiện đại đã đạt được một số thành công nhất định. Các DN và công dân được tôn trọng và phục vụ tốt hơn; công dân được biết, tự kiểm tra, được trực tiếp tham gia góp ý, giám sát công việc và thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Việc liên thông giữa UBND quận với UBND phường đã tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, DN chỉ phải đến một cơ quan để giao dịch giải quyết công việc, thay vì phải đến từ 2-3 cơ quan như trước đây.

Đặc biệt, việc liên thông trong cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, thủ tục hải quan, thuế, cảng vụ đã tạo điều kiện rút ngắn được thời gian, từ đó giảm chi phí cho DN.

Nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới

Từ nay đến năm 2020, Hải Phòng tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Từ đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chương trình CCHC đối với các cơ quan, đơn vị.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cũng như vai trò, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Thực hiện có hiệu quả giai đoạn II (2016-2020) của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và thành phố thông minh.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng tiếp tục duy trì vị trí tốp đầu cả nước về Chỉ số CCHC (PAR Index); phấn đấu vươn lên tốp đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Mục tiêu đến năm 2020 TTHC được cải cách theo 3 giảm: Giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí. Đến năm 2020, giảm 30% thời gian và chi phí so với năm 2016.

Hoàn thành việc xây dựng “chính quyền thông minh”, bảo đảm 100% văn bản (không bao gồm văn bản mật) trình UBND thành phố và văn bản của UBND thành phố gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dưới dạng điện tử; 100% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố được thực hiện dưới dạng điện tử; 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 đối với những dịch vụ hành chính công có thể cung cấp được ở mức độ 4; 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4.

100% các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.

100% DN thực hiện việc nộp thuế điện tử qua mạng; 100% cơ quan, tổ chức, DN thực hiện giao dịch điện tử trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; tỷ lệ cấp đăng ký DN qua mạng đạt 30%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 20%…

Nguồn: kinhtevn.com.vn