Xuất khẩu đồ gỗ sang Canada: Doanh nghiệp cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang thị trường Canada tăng mạnh, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần cẩn trọng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.

Thị trường Canada được đánh giá có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam. Nguyên do, sản xuất nội địa của Canada mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do vậy, mỗi năm Canada phải nhập khẩu một lượng không nhỏ sản phẩm này. Cụ thể, giai đoạn 2014-2021 là khoảng 7 tỷ USD/năm. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất, tiếp đến là Mỹ, Việt Nam đứng thứ 13.

Bên cạnh đó, theo dự báo, mỗi năm Canada có thêm khoảng 400.000 dân nhập cư, nhu cầu đồ gỗ và trang trí nội thất là rất lớn. Người Canada có xu hướng đổi mới thiết bị nội thất liên tục, nhất là giới trẻ do đó sẽ có đa dạng phân khúc thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Giới trẻ tại Canada có xu hướng không ở chung cùng bố mẹ, do vậy phân khúc nội thất cho thuê sẽ khá phát triển.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Thu Quỳnh- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu vào thị trường Canada ngoài lưu ý tới xu hướng thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại.

TS. Trần Thu Quỳnh cũng cho biết thêm: Tháng 12/2021, khi có ý kiến phản đối của doanh nghiệp sản xuất trong nước, Chính phủ Canada đã tiến hành điều tra với mặt hàng ghế bọc nệm của Việt Nam.

Đáng nói, chỉ 8 trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia trả lời bảng câu hỏi điều tra. Kết quả, 8 doanh nghiệp này chỉ bị áp mức thuế 3,7%, trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế 179% và phải nhường thị trường cho đối thủ do không thể cạnh tranh.

“Đây là bài học lớn và trong trường hợp tương tự, doanh nghiệp ngành gỗ cần hợp tác với Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hợp tác trong quá trình điều tra của nước sở tại”, TS. Trần Thu Quỳnh khuyến nghị. Đồng thời TS Quỳnh cũng cho biết: Mặc dù đã công nhận Việt Nam vận hành theo kinh tế thị trường nhưng khi có nguyên đơn đi kiện và cung cấp đủ thông tin Canada vẫn tiến hành điều tra. Hiện theo quy định về phòng vệ thương mại của Canada, Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm quốc gia có Chính phủ can thiệp vào giá bán hàng hoá.

Phản hồi thông tin trên, ông Nguyễn Liêm- Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương – cho hay: Thời điểm đó, sản xuất ghế bọc nệm tại Việt Nam phần nhiều là doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số các doanh nghiệp không tham gia trả lời bảng câu hỏi từ phía Canada nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển về Trung Quốc, Mexico nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển. Tồn kho mặt hàng ghế bọc nệm của Việt Nam hiện khá lớn.

“Các vụ kiện chống bán phá giá có điểm hại nhưng cũng có điểm lợi cho ngành gỗ Việt Nam. Bởi đây là phép thử và là máy lọc loại bớt doanh nghiệp làm ăn chộp giật, không chân chính”, ông Nguyễn Liêm nói.

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada được ông Denis Charest- Phụ trách thiết kế, marketing và kinh doanh đồ gỗ nội thất (công ty DM – 2 Inc tại Canada) – cho rằng sẽ khởi sắc hơn bởi vận chuyển đã gần như trở lại thời điểm trước dịch.

Ông Denis Charest cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua 3 mô hình chính. Mô hình 1, doanh nghiệp bán trọn container hàng hóa cho nhà nhập khẩu; mô hình 2, chia nhỏ hàng trong container, bán các đơn độc lập cho nhiều nhà nhập khẩu; mô hình 3, lưu kho hàng hóa và bán từ kho cho các nhà bán lẻ nhỏ.

Dù với mô hình nào, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được đối tác tin cậy. Phương thức tìm kiếm có thể thông qua Thương vụ Việt Nam tại Canada, hội chợ chuyên ngành, qua phái đoàn ngoại giao và qua các mối quan hệ cá nhân. “Doanh nghiệp cũng cần đặc biệt tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước sở tại”, ông Denis Charest một lần nữa nhấn mạnh.

Việt Nga

Nguồn: kinhtevn.com.vn