Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc: Tiềm năng lớn!

(VEN) – Một số doanh nghiệp (DN) phân phối, trong đó có những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến hàng đầu của Hàn Quốc đang tìm nguồn cung sản phẩm nông sản của Việt Nam. Bên cạnh hào hứng trước cơ hội mới, DN trong nước khá lo lắng, bởi các quy định về tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường này.  

Thị phần thấp

Theo đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, điển hình như tôm, cá basa, cá tra. Cùng với đó, có 5 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm: Dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. Tuy nhiên, thị phần nông sản của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc còn rất thấp, trong khi đó, mỗi năm Hàn Quốc phải chi khoảng 33 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông- thủy sản. Theo đó, còn nhiều cơ hội cho nông sản Việt xuất khẩu vào thị trường này.

Hàn Quốc tìm đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm chế biến từ Việt Nam

Riêng về mặt hàng nông sản đã qua chế biến, khi vào thị trường Hàn Quốc phải qua công đoạn kiểm dịch rất ngặt nghèo, vì vậy DN cần theo dõi và nắm bắt cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể thuận lợi xuất hàng, tránh bị trả lại gây mất uy tín và tốn chi phí.

Với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn, bà Đinh Thị Ánh Tuyết- Chủ tịch HĐQT VietED Group- cho rằng: Thị trường Hàn Quốc đặt ra những chỉ tiêu chất lượng rất cao. Đây là thách thức với DN xuất khẩu nông sản trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Bởi đây là những DN khó khăn về vốn, công nghệ và cả con người.

Bản thân VietED Group cũng đã mất nhiều năm để xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm với 1.000 điểm. Tất cả sản phẩm của người dân khi đưa vào hệ thống sẽ được đánh giá từ khâu gieo trồng, các tiêu chuẩn áp dụng cho đến thu hoạch và chế biến. Công ty hiện có 2 sản phẩm là carot và dưa Quỳnh Lưu (Nghệ An) đạt 480 điểm, có nghĩa các sản phẩm này đủ tiêu chuẩn sạch, có thương hiệu chỉ dẫn về nhãn hiệu tập thể để đưa vào hệ thống siêu thị. Kết quả này là cơ sở để công ty tiếp tục nâng cấp xuất khẩu.

Không có được nền tảng và thâm niên tốt như VietED Group nên ông Lê Huy Bảy- Giám đốc Công ty chế biến nông sản Việt khá băn khoăn, mới khởi nghiệp được vài năm nên công ty còn rất khó khăn, cho dù tự tin về chất lượng sản phẩm hoa quả khô sấy lạnh, nhưng mẫu mã bao bì còn đơn giản, chưa truyền tải được thông điệp. Công ty chưa có điều kiện tìm hiểu rõ thông tin và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Hàn Quốc để có sự thay đổi hợp lý. Đây là những “rào cản” nhất định để Công ty chế biến nông sản Việt chinh phục thị trường Hàn Quốc.

DN cần trợ sức

Không chỉ DN Việt Nam rất hào hứng với thị trường Hàn Quốc mà không ít DN phân phối của quốc gia này cũng đang tìm tòi cơ hội hợp tác, nhằm đưa nông sản Việt sang Hàn Quốc. Tại buổi giao thương DN Việt Nam- Hàn Quốc do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Kim Dae Youn- Giám đốc phân ngành thực phẩm- Tập đoàn Coupang (Hàn Quốc)- cho biết, bên cạnh các mặt hàng hoa quả tươi nhiệt đới, người tiêu dùng Hàn Quốc rất hào hứng với sản phẩm nông sản đã qua chế biến của Việt Nam. Sắp tới Tập đoàn Coupang sẽ dành một phần trên website bán hàng để giới thiệu về hàng hóa của Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2019, Coupang sẽ tìm kiếm được khoảng 1.800 sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam để bày bán trên website của tập đoàn- ông Kim Dae Youn- cho hay.

Tập đoànCoupang chỉ là một trong nhiều DN phân phối của Hàn Quốc có ý định tìm nguồn cung nông sản, trong đó có nông sản đã qua chế biến từ Việt Nam. Điều này cho thấy, cơ hội cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc khá rộng mở.

Tuy nhiên từ thực trạng đã phản ánh cho thấy, để nông sản Việt thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hàn Quốc, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, DN trong nước cần sự “trợ sức” của cơ quan chức năng về thông tin thị trường, thông tin đối tác để có những bước tiếp cận cụ thể.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc:90% người dân Hàn Quốc sử dụng điện thoại thông minh, mua hàng online cũng rất phát triển tại thị trường này. Do đó, DN sản xuất Việt liên kết với DN bán hàng online Hàn Quốc là phương thức bán hàng hiệu quả nhất, nhằm tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Ánh Tuyết- Chủ tịch HĐQT VietED Group- đề xuất, việc tổ chức giao thương với DN Hàn Quốc là cần thiết, giúp DN có thể tiếp xúc trực tiếp với đối tác. Tuy nhiên sau giao thương, DN cần được hướng dẫn cụ thể hơn để có thể khớp nối 2 bên, khảo sát thực tế và có kế hoạch làm việc với đối tác hiệu quả.

“Chính phủ tiếp tục có chính sách tốt hơn, tạo hành lang cho phát triển nông sản sạch, từ đó có nền tảng tới xuất khẩu. Kiểm soát được quy trình chế biến tối thiểu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm xuất khẩu tránh lãng phí lợi thế của nông sản Việt”, ông Lê Huy Bảy cũng kiến nghị.

Việt Nga

Nguồn: kinhtevn.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *