Công nghệ thông tin tiếp tục đà tăng trưởng

(VEN) – Trong vài năm trở lại đây, công nghệ thông tin (CNTT) luôn là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, ấn tượng nhất tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. CNTT cũng được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển từ nay tới năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng cao

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT;), 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.026.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16,15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu phần cứng ước đạt 912.800 tỷ đồng. Lĩnh vực CNTT ước nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, xuất khẩu CNTT ước đạt 918.384 tỷ đồng, tăng 16,21% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, phần cứng 884.184 tỷ đồng, phần mềm 34.200 tỷ đồng. Hiện, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp (DN) CNTT và 4 khu CNTT đã hoạt động.

Thông tin từ Tập đoàn FPT mới đây cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, khối công nghệ của DN này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 5.457 tỷ đồng và 592 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 3.578 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận trước thuế đạt 532 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2017.

Đó là những minh chứng cho thấy, ngành CNTT đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm. Đặc biệt, thị trường gia công phần mềm của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên bản đồ thế giới. Việt Nam đã được Hãng tư vấn nổi tiếng A.T.Kearney đánh giá đứng thứ 6 trong danh sách các điểm đến về gia công phần mềm (outsourcing) trên thế giới. Bên cạnh đó, hãng nghiên cứu Tholons cũng đánh giá Việt Nam đứng thứ 8 trong các quốc gia hàng đầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực CNTT. TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội cũng xếp top 20 trong 100 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.

Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao với sự góp mặt của hầu hết các hãng CNTT hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Apple, Toshiba, Samsung… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những DN CNTT được thế giới biết đến như Viettel, FPT, VNPT và đang có ngày càng nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.

Tập trung phát triển

Để thúc đẩy phát triển CNTT, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về phát triển CNTT. Chẳng hạn, Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”. Đề án đặt mục tiêu đưa ngành CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng hàng năm cao gấp 2-3 lần tăng trưởng GDP, đồng thời, phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế và thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước. Hay, Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã quy hoạch và hình thành các khu CNTT tập trung và kèm theo chính sách ưu đãi cụ thể để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, tổ chức, DN thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực CNTT tại khu CNTT tập trung sẽ được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng đầu tư và các chính sách ưu đãi khác như được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thuế thu nhập DN; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT của DN; được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và sản phẩm, dịch vụ CNTT.

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) – cho rằng, Chính phủ hiện đã có sự xoay trục quyết liệt sang hỗ trợ cho các DN CNTT thay vì các DN khai thác tài nguyên. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam. Theo đó, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT. Đối với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm.

Cơ hội phát triển ngành CNTT Việt Nam đang rất rộng mở, đặc biệt khi Việt Nam vẫn duy trì vị thế là đối tác được yêu thích nhất và lớn thứ 2 của thị trường Nhật Bản về gia công phần mềm và dịch vụ. Số liệu từ Bộ Kinh tế Nhật Bản cho thấy, trung bình mỗi năm, Nhật Bản chi khoảng 30 tỷ USD cho phần mềm ứng dụng, thị trường nội dung số. Hiện nay, các công ty lớn như Hitachi, Fujitsu, Tập đoàn NTT… đều đang thực hiện hoạt động thuê ngoài ở Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể tập hợp được nhiều kỹ sư CNTTcó chuyên môn nghiệp vụ tốt thì ngành CNTT hứa hẹn sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn.

Từ một đất nước phải nhập khẩu thiết bị, máy tính và điện thoại di động, nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm CNTT hàng đầu thế giới nhờ thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát huy sức mạnh nguồn lực trong nước.

Quỳnh Nga

Nguồn: kinhtevn.com.vn