Bảo vệ tài nguyên nước cần chế tài đủ mạnh

(VEN) – Hầu hết các sông ngòi của Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt thì nguồn nước dưới đất cũng đang gia tăng ô nhiễm cả về mức độ lẫn quy mô…. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững” tổ chức mới đây tại tỉnh Bắc Ninh.    

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tài nguyên nước, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây áp lực lớn đến môi trường và tài nguyên nước ở Việt Nam. Nhiều dòng sông ô nhiễm đến mức báo động, nhưng việc giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục dòng sông hoặc đoạn sông diễn ra rất chậm.

Bà Lâm dẫn chứng, hiện chúng ta có 316 khu công nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có tới 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, gây suy thoái nghiêm trọng nguồn nước. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện cũng gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. “Bởi trên thực tế, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý xả thải của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các cơ quan chức năng và có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu thanh gia, giám sát và xử lý hậu quả còn rất lúng túng, thiếu nguồn lực, thiếu công nghệ và thiếu sự phối hợp với địa phương, đặc biệt thiếu sự tham gia của người dân nên không phát hiện kịp thời các sự kiện, không kiểm soát kịp thời chất thải và công nghệ thải” – bà Lâm nhấn mạnh.

Để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, các chuyên gia khuyến cáo, nên chăng có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.

Đồng tình với việc nên có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: Cần xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư, tạo thành một hệ thống thống nhất giữa trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý sẽ theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật. “Nếu chúng ta sớm đưa cơ chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay” – ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Các nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải chứa nhiều thành phần độc hại không được xử lý triệt để, xả thẳng vào nguồn nước.

Phương Thanh

Nguồn: kinhtevn.com.vn