Cải thiện thể chế đón vốn FII

Cùng với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII) qua giao dịch cổ phiếu, trái phiếu hoặc đầu tư vào các công ty tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm được cho là giải pháp hữu hiệu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau dịch.

Kênh huy động vốn hiệu quả

Theo giới chuyên gia tài chính, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Và để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi sau dịch, Chính phủ nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển bắt đầu tính đến chuyện bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ước tính, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ sớm phát hành nguồn tiền với tổng giá trị lên tới 6.000 tỷ USD và phần lớn sẽ đổ vào thị trường vốn.

Theo ông And Ho – Trưởng Bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, lượng vốn mới được bơm vào thị trường lớn gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm đó các ngân hàng trung ương đã bơm khoảng 2.000 tỷ USD vào các nền kinh tế.

Các chuyên ra cho rằng, Việt Nam chỉ cần thu hút được một phần nhỏ trong tổng số vốn “khủng” này thì cũng có thể giúp kinh tế mau chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo ông Andy Ho, những nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận với nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế này. Họ cũng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam bởi Việt Nam mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn. Tại Việt Nam, họ có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4%, và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%, đây thực sự là một nguồn lợi lớn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng khẳng định một ưu thế của Việt Nam trong thu hút FII, đó là tình hình chính trị và môi trường kinh doanh đang rất ổn định, đồng nội tệ ổn định. Chưa kể, Việt Nam hiện có 97 triệu dân, trong đó một nửa dân số ở dưới độ tuổi 35 và thu nhập bình quân nhóm phổ thông ở mức 3.000 USD/năm. Mức thu nhập này đang tăng dần và theo đó sức mua cũng tăng lên. Đặc biệt, gần đây Việt Nam liên tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… cũng được cho là lợi thế lớn thu hút nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Làm gì để thu hút FII?

Theo đánh giá của Công ty CP chứng khoán VNDirect, khối ngoại vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019, tuy nhiên giá trị mua ròng giảm mạnh từ 1,9 tỷ USD trong năm 2018 xuống còn 220 triệu USD. Sự sụt giảm này chủ yếu do không có các đợt IPO lớn và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019, dẫn đến lượng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán Việt Nam còn hạn chế.

Trước đó, ở giai đoạn 2017-2018, khối ngoại đã mua ròng mạnh các cổ phiếu Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các thương vụ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk (HoSE: VNM), Sabeco (HoSE: SAB); Petrolimex (HoSE: PLX) và PetroVietnam Power (HoSE: POW) cũng như các đợt IPO của các doanh nghiệp tư nhân như Vinhomes (HoSE: VHM); Vincom Retail (HoSE: VRE) và HDBank (HoSE: HDB).

Vậy năm 2020 Việt Nam sẽ phải làm gì để thu hút FII từ các nhà đầu tư ngoại? Theo ông Andy Ho, nhà đầu tư ngoại muốn thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển để tăng đầu tư vào những công ty này trên thị trường chứng khoán. Họ cũng muốn thấy việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, và càng có nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa thì cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài càng nhiều.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư muốn có cơ hội đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ở thời điểm này, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khó tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp bởi những khoản trái phiếu này thường chưa được niêm yết. Từ những vấn đề trên, với thị trường chứng khoán, ông Andy Ho đề xuất, Việt Nam nên cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp hơn, đặc biệt là trong những ngành như viễn thông, điện hoặc liên quan tới dầu khí.

Cùng với đó, lượng cổ phần bán ra thị trường nên tăng thêm, thay vì 3-5% như hiện nay thì sẽ là 20-30%. Đồng thời, Việt Nam cần sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi (MSCI-Emerging Market) vì hiện nay chúng ta đang ở nhóm MSCI-Frontier Market (nhóm thị trường cận biên). Khi Việt Nam trở thành thị trường mới nổi, chúng ta có thể tiếp cận nguồn vốn lớn gấp nhiều lần so với hiện nay.

Tuy nhiên, để trái phiếu doanh nghiệp có thể được chấp thuận niêm yết thì cần một quy trình đánh giá xếp hạng và Việt Nam có thể mời các tổ chức xếp hạng đánh giá quốc tế uy tín như S&P, Moody’s, Fitch thực hiện đánh giá. Khi niêm yết, chúng ta cần có giao dịch trên thị trường để tạo thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp, khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2020, vốn FII thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 2,99 tỷ USD, bằng 39,1% so với cùng kỳ.

Thùy Dương

Nguồn: kinhtevn.com.vn