Ngành du lịch Việt Nam 2018: Kỳ vọng những đột phá

(VEN) – Tháng đầu năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đã khởi sắc khi được đón du khách với nhiều quốc tịch khác nhau.

Những con số ý nghĩa

Ước tính, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018, đã có 124.560 lượt khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách Đức tăng cao nhất, tới 63%, đạt 2.250 lượt; khách Pháp tăng 60%, đạt 2.617 lượt; 8.310 lượt khách khách Hàn Quốc, tăng 37%… Một số điểm đến thu hút đông du khách như: Bảo tàng Dân tộc học, Khu di tích Hoàng Thành – Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

Phát biểu tại buổi lễ đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hà Nội, ông Lebreton Didier – quốc tịch Pháp, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, nhấn mạnh: Là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với dịch vụ chất lượng cao, từ lâu, Hà Nội đã trở thành điểm đến đẹp, an toàn trong du khách. Du lịch hiện đang trên đà phát triển, bằng chứng là trong năm 2016, Hà Nội đạt mốc 4 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2017, con số này đã lên đến 5 triệu lượt người.

Ông Lebreton Didier chia sẻ, đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam, nhưng là chuyến đi ý nghĩa và để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Hà Nội thực sự là nơi rất đẹp và đáng sống. “Tôi yêu cảnh quan, con người nơi đây. Mong rằng đất nước xinh đẹp của các bạn sẽ có nhiều niềm vui trong năm mới, người dân luôn nở nụ cười trên môi” – ông Lebreton Didier nhấn mạnh.

Cùng với Hà Nội, Thừa Thiên Huế

Tháng đầu năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đã khởi sắc khi được đón du khách với nhiều quốc tịch khác nhau. cũng để lại nhiều ấn tượng khi đã đón gần 127.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt gần 60.000 lượt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt khoảng 170 tỷ đồng. Riêng điểm tham quan của hệ thống di sản Huế đã đón hơn 117.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 47.000 lượt.

Theo ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế – việc thực hiện chính sách miễn phí tham quan cho người Việt Nam trong 3 ngày Tết đã thu hút đông đảo cộng đồng người dân địa phương và du khách nội địa đến với khu di sản Huế. Ngoài việc tái hiện không gian và trải nghiệm các trò chơi của cung đình xưa tại Hoàng cung Huế, sự kiện thắp sáng di tích Kỳ Đài Huế và bắn súng thần công vào ban đêm đã tạo điểm nhấn và thu hút du khách.

Tại TP. Cần Thơ, trong 4 ngày Tết Mậu Tuất, địa phương đã đón gần 700.000 lượt khách du lịch, tăng 10% so dịp Tết năm trước. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 75,8 tỷ đồng, tăng 10%. Để thu hút và đón khách, ngành du lịch Cần Thơ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và dịch vụ phục vụ khách tại các điểm, khu du lịch, cơ sở lưu trú. Trong dịp Tết, ngành du lịch thành phố đã phân công cán bộ trực tại bến tàu Ninh Kiều và các bến tàu khác để theo dõi tình hình hoạt động, ngăn chặn tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhận định của nhiều chuyên gia, những kết quả khởi đầu năm mới đã mang lại niềm tin và hy vọng cho ngành du lịch trong năm 2018. Điều hy vọng này còn có thêm cơ sở vững chắc khi năm 2018, Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực đã được rút gọn xuống còn 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của du khách. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế, ở vị trí kết nối thuận tiện trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương phát triển năng động…

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng; hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, được bạn bè thế giới biết đến rộng rãi hơn nữa, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm ngay từ đầu năm; tăng cường hợp tác công – tư, huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến để nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, hãng hàng không trong nước và quốc tế trong việc tăng tần suất các đường bay đã có và thiết lập những đường bay mới từ thị trường trọng điểm đến sân bay tại các điểm đến còn nhiều dư địa, phát triển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Vân Đồn… Hơn thế, tăng cường quản lý điểm đến bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Đây là vấn đề quan trọng cần được phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, với sự chủ trì của chính quyền địa phương các cấp, sự tham mưu, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đây chính là hoạt động xúc tiến tại chỗ nhằm hướng tới sự hài lòng của du khách. Đồng thời, tổ chức tốt những sự kiện, hoạt động trọng điểm trong năm như: Diễn đàn Du lịch ASEANtháng 1/2019 do Việt Nam chủ trì đăng cai, Năm Du lịch quốc gia Hạ Long 2018, Festival Huế 2018…

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Nhiệm vụ năm 2018 của ngành du lịch rất nặng nề, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, sự năng động, sáng tạo của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
Nguồn: kinhtevn.com.vn

Thanh Tâm