Xuất khẩu gạo: Triển vọng sáng những tháng cuối năm

Thông tin được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố tại Cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 cho thấy, từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo có thể đạt bình quân 400.000 tấn/tháng nhờ nhu cầu gia tăng ở nhiều thị trường.  

Gạo chiếm ưu thế

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK gạo được coi là điểm sáng của ngành nông-thủy sản trong 8 tháng qua khi đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi nhiều mặt hàng như cà phê, hạt tiêu… suy giảm cả lượng và kim ngạch XK thì gạo trở thành điểm sáng trong nhóm ngành này khi đang duy trì tương đối tốt cả về kim ngạch và lượng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN) XK đã chủ động đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phẩm cấp XK cho hạt gạo Việt Nam. Đơn cử, giữa tháng 8 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã trúng trọn vẹn gói thầu XK 60.000 tấn gạo lứt hạt tròn Japonica XK sang Hàn Quốc. Trước đây, Việt Nam chủ yếu XK gạo hạt dài, chưa nhiều DN XK được gạo lứt hạt tròn. Đặc biệt, lô hàng này có giá rất tốt, lên đến 638 – 648 USD/tấn – một mức giá mà gạo Việt từng mơ ước.

7 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là Indonesia (tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2017), Iraq (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017), Philippines (tăng gấp 2 lần), Hồng Kông (tăng 61,3%), Malaysia (tăng 39,4%) … Trong tháng 7, giá gạo trắng 5% tấm XK của Việt Nam tăng nhẹ, đạt trung bình 395 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng trước, thấp hơn giá trung bình gạo cùng loại của Thái Lan (404 USD/tấn) và Ấn Độ (398 USD/tấn).

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, kim ngạch XK gạo sang Trung Quốc đã giảm dần khi XK gạo nếp – mặt hàng chủ lực XK của nước ta sang thị trường này tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7, chỉ đạt kim ngạch 9,8 triệu USD (giảm 50% so với tháng 6) do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc.

Cơ hội mở rộng thị trường

VFA cho biết, từ nay đến cuối năm, theo hợp đồng DN đã ký kết, mỗi tháng, bình quân nước ta sẽ XK được 400.000 tấn gạo, nâng con số XK cả năm lên 6 – 6,5 triệu tấn, tập trung vào 3 thị trường chính là Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Trong đó, Indonesia từ nay đến cuối năm sẽ nhập thêm khoảng 1 triệu tấn gạo; Philippines cũng đang có dấu hiệu sốt gạo và có thể quay lại mua sớm. Với cả 2 quốc gia này, gạo Việt Nam đều có thế mạnh về khoảng cách địa lý và giá nên sức cạnh tranh cao, khả năng trúng thầu lớn. Khối DN tham gia XK gạo chủ yếu là DN trong nước nên việc gia tăng kim ngạch XK mặt hàng này cũng sẽ giúp gia tăng kim ngạch XK của khối DN trong nước và cả nước nói chung.

Ngoài ra, sản lượng lúa của Campuchia sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7 vừa qua có thể khiến XK gạo của Campuchia trong các tháng tới giảm sút. Đây là cơ hội để các DN XK gạo cao cấp của Việt Nam tiếp cận các thị trường nhập khẩu truyền thống của Campuchia như Trung Quốc, châu Âu để cung cấp nguồn thay thế.

Với thị trường Trung Quốc, mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã mời một số DN Trung Quốc đến làm việc với các DN Đồng bằng sông Cửu Long để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của nước này. Từ đó, kỳ vọng có thêm DN được thị trường Trung Quốc chấp nhận cho phép XK chính ngạch. Theo Cục Xuất nhập khẩu, tại buổi làm việc, DN Trung Quốc đã đánh giá cao chất lượng gạo, các cơ sở xay xát của Việt Nam.

Hiện Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thành phê chuẩn và đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thực thi vào năm 2019, tạo động lực mới cho tăng trưởng XK của Việt Nam nói chung và thị trường XK gạo nói riêng.

Để tháo gỡ khó khăn do Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo nếp, một số DN XK gạo nếp đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ nếp sang thị trường Indonesia nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là một thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng có thói quen tiêu thụ gạo nếp, thị trường này trước đã có nhiều DN Việt Nam tiếp cận, nhưng khối lượng không nhiều.

Đáng chú ý, việc Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP được coi là động lực quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng gạo. Theo Cục Xuất nhập khẩu – đơn vị xây dựng Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Nghị định có những quy định khuyến khích các DN XK các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo chất lượng cao… tích cực tham gia thị trường. Đồng thời, không quy định bắt buộc DN phải có kho chứa, nhà máy xay xát… Từ đó, Nghị định nhằm mục tiêu đổi mới, hoàn thiện về thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh XK gạo và công tác điều hành XK gạo theo hướng xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi thông thoáng, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh cho DN. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ, XK, nâng cao chất lượng gạo XK, tạo thuận lợi cho sản xuất, XK sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Lan Phương

Nguồn: kinhtevn.com.vn