Cải cách nông nghiệp là chìa khóa tăng trưởng

(VEN) – Tăng trưởng tốt trong nông nghiệp và đầu tư sẽ là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay và cả nhiều năm sau nữa. Bởi vậy, chú trọng đầu tư nhằm chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong khu vực nông nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng mạnh và bền vững trong tương lai. Đó là nhận định của giới chuyên gia khi đi tìm những giải pháp để tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.  

Kinh tế thế giới hồi phục

Báo cáo khái quát về kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cho thấy, kết thúc quý I/2017, giá cả năng lượng thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi sau khi các cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ có hiệu lực. Tại Mỹ, nền kinh tế nước này tiếp tục cho thấy sự phục hồi với những bước tiến khá vững chắc. Số liệu ước tính lần thứ 3 của Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho thấy, GDP nước này tăng trưởng ở mức 2,1%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với lần ước tính trước.

Xét theo mục đích chi tiêu, mức tăng trưởng cao chủ yếu đến từ tiêu dùng cá nhân, đầu tư khu vực tư nhân, nhà ở và chi tiêu chính phủ. Theo đó, tiêu dùng cá nhân tăng 3,5% và đầu tư vào tài sản cố định khu vực tư nhân tăng 2,9% theo quý.

Quý I cũng đánh dấu lần tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản lên mức 0,75-1%. Quyết định này được đưa ra sau khi Fed cho rằng, thị trường lao động cũng như hoạt động kinh doanh tiếp tục được củng cố trong quý I.

Đối với tình hình kinh tế của các nước khu vực ASEAN, theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, những diễn biến đầu năm 2017 cho thấy nhiều triển vọng tăng trưởng tốt cho khu vực này. Phân tích cụ thể hơn, Viện trưởng VEPR cho biết, các nước ASEAN kết thúc năm 2016 với mức tăng trưởng 4,6%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm trước đó. Bước sang năm 2017, với nhiều yếu tố thuận lợi hơn, khu vực ASEAN được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế như ADB, IMF hay WB đều dự báo tăng trưởng khối ASEAN hay ASEAN 5 cao hơn từ 0,1-0,3 điểm phần trăm trong hai năm tới.

Theo lãnh đạo VEPR, thời tiết thuận lợi trong quý I giúp ngành nông nghiệp tại khu vực này phục hồi đáng kể so với năm 2016. Trong khi đó, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng trở lại. “Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới nguy cơ lạm phát quay trở lại tại khu vực ASEAN. Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, lạm phát trung bình khu vực ASEAN năm 2017 có thể tăng lên 3,3% từ mức 2,1% năm 2016” – VEPR nhận định.

Đầu tư mạnh vào nông nghiệp để tăng trưởng kinh tế

Những diễn biến nói trên của kinh tế thế giới và khu vực phần nào tác động đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù vẫn còn khá nhiều thách thức, song theo dự báo của VEPR cũng như ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018.

Diễn biến của kinh tế Việt Nam trong quý I năm 2017 cho thấy, có nhiều triển vọng để tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện ở thực tế môi trường kinh doanh Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. “Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước trong khảo sát năm 2017” – theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Các cuộc cải cách đang diễn ra cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều cổ phần hơn tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, cùng với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ là động lực khuyến khích đầu tư tư nhân. Và đây chính là những động lực để tiếp sức thêm cho nền kinh tế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong năm 2017 và cả những năm tiếp sau. Bởi dù là ở đâu, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cũng là nhân tố quyết định nền kinh tế có thể phát triển vững mạnh hay không. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập lên đến con số kỷ lục là 110.000 doanh nghiệp trong năm 2016, tăng 16,2% so với năm 2015 là một minh chứng rõ rệt cho nhận định này.

Tuy nhiên, nói đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thể bỏ qua lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là trụ đỡ chính của nền kinh tế.

“Chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam trở thành nước có vị thế thu nhập trung bình cao. Để đạt được sự chuyển đổi này đòi hỏi phải giải quyết được một số thách thức chính sách quan trọng” – ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB nhấn mạnh.

Trong đó phải kể đến thách thức về cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh, do một số doanh nghiệp nhà nước đang thống lĩnh nguồn cung yếu tố đầu vào, chế biến sau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Eric Sidgwick cũng nhấn mạnh yếu tố sử dụng khoa học công nghệ. Nông nghiệp không thể phát triển mạnh với những công nghệ lạc hậu, đi sau thế giới đến nhiều chục năm như hiện nay. Bởi vậy, việc áp dụng các công nghệ và phương pháp sản xuất nông nghiệp cải tiến sẽ mang lại năng suất, giá trị gia tăng cao, và đặc biệt là thân thiện với môi trường hơn. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp và nhà nông.

Theo đánh giá của giới chuyên gia nông nghiệp, các cải cách sâu rộng hơn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ có vai trò then chốt để tăng năng suất, đồng thời bảo đảm tăng trưởng bền vững trong

Vũ Vũ

Nguồn: kinhtevn.com.vn